CSS là gì?
Nghe mãi đau cả tai cái từ CSS. Vậy CSS làm được việc gì nào? ..sẽ được giải đáp ngay sau khi bạn đọc bài này.
1. Tôi có thể làm được việc gì với sự giúp đỡ của CSS?
CSS là một loại ngôn ngữ dàn trang, định kiểu cho các thành phần của trang Web. Nói vậy chung chung quá, nôm na CSS như là người đi mua kiểu bàn ghế, kiểu đồ đạc trong nhà theo ý của chủ nhà và sắp xếp chúng cũng theo ý ông chủ luôn. Cụ thể là nó làm nhiệm vụ biểu diễn fonts (phông chữ), colours (màu sắc), margins (canh lề), lines (các loại đường, nét), height (chiều cao), width (độ rộng), background images (ảnh nền các loại), xác định vị trí cho các khối…
Suỵt! Nghe thấy liệt kê một loạt các từ nhưng đừng có “choáng”. Hãy bình tình làm quen tiếp với cái anh CSS nào. Trong tài liệu này sẽ có một số bài hướng dẫn cụ thể bạn sử dụng CSS làm cho trang Web của bạn đẹp một cách lộng lẫy, yên tâm đi.
2. Thế CSS và HTML khác nhau điểm nào? Có biên giới giữa CSS và HTML không?
HTML được sử dụng để tạo nên kết cấu các phần của trang web, còn CSS thì sử dụng ở bước tiếp theo là định kiểu, định dạng cho các kết cấu đó. Hơi khó hiểu thì phải, hãy tạm chấp nhận vậy đã, sẽ rõ ràng ngay sau khi đọc tiếp phần sau.
Chuyện kể rằng, vào một ngày đẹp trời khi nàng Madona và chàng trai có tên Tim Berners Lee sáng lập ra World Wide Web (Web), lúc đó ngôn ngữ HTML được sử dụng chỉ để làm kết cấu dạng chữ (text). Tác giả chỉ có thể đưa lên các kết cấu đơn giản đại loại: “đây là dòng mở đầu”, “đây là tên đề mục” với các Tags kiểu “kết cấu” như
<h1> và <p>
Theo dòng phát triển của Web, các nhà thiết kế đã bắt đầu tìm ra khả năng định dạng các tài liệu online. Đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người sử dụng (khi đó đã ra đời trình duyệt Netscape và Microsoft), những Tags HTML mới được phát minh. Những Tags kiểu như là
<font>
không giống với Tags “kết cấu” nguyên thủy như
<h1> và <p>...
Các Tags mới này không còn được gọi là Tags “kết cấu” nữa, bởi bản chất nó xác định kiểu chữ và dạng chữ.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, các Tags “kết cấu” kiểu như
<table>
trở nên phổ biến. Gần như tất cả các nhà thiết kế Web đều sử dụng
<table>
kết hợp với Tags “kết cấu” chữ. Oái oăm thay, rất nhiều Tags mới ra đời tiếp theo kiểu như
<blink>
, mấy ông này lại đòi hỏi chỉ chạy trên một trình duyệt nhất định. Chuyện nhìn thấy dòng thông báo: “Bạn phải sử dụng trình duyệt XXX để xem được trang Web” diễn ra thường xuyên chả khác gì “chuyện hàng ngày ở phố huyện”.
Sự bế tắc của lịch sử đã đưa đến việc CSS ra đời để giải quyết tình huống “đau đầu” này. Non sông quy về một mối, các nhà thiết kế web cứ việc vẽ vời thỏa mái, CSS sẽ giúp đỡ để hiển thị trên tất cả các trình duyệt. Cũng đúng vào lúc đó, với lý do để làm việc được thuận lợi, việc trình bày và viết cấu trúc được chia thành nhiều nhóm nhỏ.
3. Hiểu được một chút rồi, cho tôi biết cụ thể hơn lợi thế của CSS xem nào?
Sự xuất hiện CSS đã trở thành cuộc cách mạng trong giới thiết kế web. Cụ thể là:
-Chỉ cần một bảng cấu trúc duy nhất điều khiển việc hiển thị nhiều tài liệu.
-Chính xác hóa việc định dạng hiển thị của trang Web (nhắm mắt vẽ sao thì mở mắt thấy đúng như vậy).
-Cho phép dạng hiển thị phù hợp với yêu cầu của thiết bị (ví dụ hiển thị trang web trên màn hình rất phức tạp, nhưng lại trở thành bản in đơn giản- chắc là để đỡ tốn mực in)
-Cho phép sử dụng các kỹ thuật khó và mới để thiết kế web.
Tạm thế đã, mệt rồi, bài sau chúng ta sẽ tiếp cận và làm quen với cấu trúc lệnh CSS và xem nó làm việc thế nào.